Chủ Nhật, 20 tháng 10, 2013

CÕI TRUNG GIỚI

CÕI TRUNG GIỚI

Cõi nầy gần cõi Hồng trần nhứt. Là vì nguyên tử căn bản hồng trần được bọc bên ngoài bằng một lớp thanh khí (là chất của cõi Trung giới) và khi tan rã, thì thành thanh khí. Ở cõi nầy, sự sống linh động hơn và sắc tướng biến chuyển dễ dàng hơn. Chúng ta không thấy chất thanh khí được vì chất hồng trần của thể xác ta nặng trược quá nên không đáp ứng được với các rung động quá mau của chất thanh khí.

Cõi nầy là môi trường của ham muốn và dục vọng, của cảm xúc và tình cảm. Các nhà luyện kim thời Trung cổ dùng chữ astral (chói sáng như sao) để gọi cõi nầy vì nó rất sáng sủa. Nó còn được gọi là cõi tình cảm, cõi Trung giới, cõi luyện tội, cõi âm ty v. v. .

Chúng ta sang qua đó trong lúc ngủ và sau khi chết. Đó là một cõi hoàn toàn có thật gồm những chất rất tế nhị. Tuy nhiên, nó cũng được gọi là cõi “ảo tưởng”, vì các đồng bóng thường tả cõi đó bằng những cảm giác mù mờ.

Đặc tính:

1/ Sắc tướng biến đổi.- Các sinh vật cõi nầy có thể biến đổi nhanh chóng hình thể mình để mê hoặc những người họ muốn phá phách.

2/ Thị lực.- Khi ta xem một món đồ, ta thấy tất cả một lượt, bên trong như bên ngoài.

3/ Đối phần.- (contre partie) Mỗi vật hữu hình ở cõi trần đều có đối phần bằng thanh khí ở cõi Trung giới. Thể xác của chúng ta có đối phần của nó là thể vía.

4/ Phóng đại.- Thị giác có quyền năng phóng đại các vật hồng trần rất nhỏ.

5/ Màu sắc mới.- Ở cõi Trung giới có nhiều màu sắc mà ở cõi trần chúng ta không biết. Ở đây màu tử ngoại tuyến (ultra violet) và xích ngoại tuyến (infra rouge) đều được thấy rõ ràng.

6/ Hình ảnh quá khứ.- Tất cả những sự việc xảy ra ở cõi trần đều có phản chiếu một phần và trong một thời gian ngắn ở cõi Trung giới. Thật sự, các di tích nầy đều có ở cõi Thượng thiên.

7/ Đi đứng đụng chạm.- Chúng ta có cảm giác lướt trôi chớ không phải đi đứng như ở cõi trần. Chúng ta đi ngang người và vật một cách dễ dàng, do đó không thể có tai nạn. Trong trường hợp nổ tung, cái vía tan từ mảnh và ráp lại tức thì.

8/ Tối tăm.- Sự tối tăm không có ở cõi Trung giới vì thể chất của cõi nầy tự nhiên sáng chói.

9/ Không gian và thời gian.- Quan niệm về không gian và thời gian thay đổi hẳn : một khoảng vài giây trong giấc mộng có thể dài như cả mấy mươi năm. Khi người ta muốn đến một nơi xa thì chỉ nghĩ và muốn là đến ngay.


Các cảnh:
Trung giới có bảy cảnh gồm ba phần :

1.- Phần thứ nhứt gồm ba cảnh thứ 4, thứ 5 và thứ 6 : các cảnh nầy nhứt là cảnh thứ 6 tương tự cõi trần.

2.- Cảnh thứ 7 : ấy là cảnh địa ngục (không vĩnh viễn) ở đây quang cảnh rất tối tăm. Khi thám hiểm cõi nầy, học viên có cảm giác di chuyển trong một không khí đen và nhờn giữa những nhân vật và ảnh hưởng xấu xa.

3.- Phần thứ ba gồm có ba cảnh 1, 2 và 3 : Các cảnh nầy sáng sủa và tinh vi. Ấy là Xứ nhàn hạ của người thần linh học, Walhalla của người Scandinave, Cung điện của người Hồi giáo và Thánh địa Jérusalem bằng vàng, cửa nạm ngọc của người Thiên Chúa giáo.

Hiện hình:
Sự hiện hình thấy ở nghĩa địa là hình của thể phách người chết hiện ra gần ngôi mộ. Người hấp hối thường cũng hiện hình trong thể vía để đi thăm một người nào trước khi từ trần. Ở những nơi xảy ra án mạng, sự hiện hình là những tư tưởng phát ra do kẻ sát nhơn khi y ôn lại các giai đoạn của án mạng. Hơn nữa, chất thanh khí nơi đó cũng giữ ấn tượng của sự việc xảy ra. Người chết còn cố gắng liên lạc với cõi trần bằng cách reo chuông hay ném đá.

Hiện tượng Thần linh học:
Những linh hồn có thể nhập vào xác đồng rất nhiều và chỉ những người có nhãn thông mới nhận biết được linh hồn hướng dẫn, các lời dạy bảo xuyên qua đồng cốt không có gì đặc biệt, trừ trong những phiên họp giữa các nhà thần linh chân chính.

Các vong linh còn có thể hiện hình bằng cách sử dụng thể phách của đồng tử, vì vậy mà sức khỏe của người nầy bị tổn hại. Sự hiện hình có thể ghi ấn tượng lên kiếng ảnh.

Những tinh linh (như các tiên nữ : fées) có thể tạo những hiện tượng thần linh : gõ cửa, quay bàn, di chuyển đồ đạc v. v. .

Năng lực thanh khí:
Chất thanhh khí và dĩ thái có một áp lực mạnh hơn áp lực của không khí. Có những luồng dĩ thái vô cùng mạnh mẽ chạy quanh trái đất từ cực nầy đến cực nọ.

Làn sóng giao cảm: Khi chúng ta lập đi lập lại một sự kích động và lập một cách có tiết điệu, các làn sóng rung động trở nên mạnh mẽ vô cùng. Người ta có thể sánh việc nầy với những bước đi ăn nhịp ở một cầu treo.

Thần chú: Sự lặp đi lặp lại một số âm thanh có thể tạo những ảnh hưởng nầy nọ: đó là Thần chú.

Tan rã: Một sự vật có thể tan trong dĩ thái nếu tốc độ rung động của nó được gia tăng. Nhờ vậy một vật có thể di chuyển đến xa trong trạng thái dĩ thái. Khi tốc độ rung động của nó trở lại bình thường, áp lực của dĩ thái sẽ hoàn hình cho vật đó.

Tạo vật: Do ý chí, người ta có thể tạo ra một đồ vật bằng cách sử dụng nguyên liệu sẵn có ở chung quanh mình. Bao giờ ý chí còn mạnh thì sự vật đó còn. Nó biến mất khi ý chí ngưng lại.

Tuy nhiên, cũng có thể có những đồ vật tạo như thế nầy mà trở thành vĩnh viễn. Thơ từ, hình vẽ cũng được tạo như vậy.

Vật nặng hóa nhẹ: Huyền học có thế làm mất sức nặng của đồ vật và đưa nó lên cao (trường hợp các tảng đá lớn của Kim Tự Tháp).

Nhãn thông: Với những quan năng của thể vía, người ta có thể đọc một quyển sách xếp lại hay tư tưởng của kẻ khác.


DÂN CƯ CÕI TRUNG GIỚI

Dân cư cõi Trung giới có thể phân làm ba loại :

A. DÂN CƯ NHÂN LOẠI:

1. Người sống :
Ấy là thể vía của những người còn sống ở cõi trần và đã tiến khá cao : các vị Chơn tiên và đệ tử, các nhà huyền học trong đó có bọn tả đạo ích kỷ, và của những người thường trong lúc ngủ.

2. Những người không còn xác thân:

Hạng người nầy gồm :

a/ Những vị Cao Cả như các vị Nirmanakayas. (xem chương XII).

b/ Các vị đệ tử từ chối không lên Thiên Đàng và đợi đi đầu thai.

c/ Những người đã từ trần (xem chương VII).

d/ Những bóng và vỏ, là những cái vía đang tan rã của những người từ bỏ cõi Trung giới để sang cõi trên.

e/ Những vỏ hoàn sanh, nghĩa là được vong linh nhập vào.

f/ Những kẻ tự tử và nạn nhân của các vụ bất đắc kỳ tử, họ thường bị bắt buộc ở cảnh thứ bảy (địa ngục) một thời gian.

g/ Ma cà rồng (vampires) và ma sói , là những sinh vật gốc người rất nguy hiểm nhưng hiện thời ít thấy.


B. DÂN CƯ PHI NHÂN LOẠI:

1. Loại tinh chất. (Essence élémentale):
Loại nầy được tạo thành bằng chất thanh khí phối hợp với dục vọng do luồng sống thứ hai (phát xuất từ Ngôi Hai). Trên con đường tiến vào vật chất, giai đoạn nầy xảy ra trước khi sự sống nhập vào kim thạch. Loài nầy có những năng lực riêng mà con người có thể sử dụng nếu biết cách.

2. Vía của thú vật:
Ấy là vía của con thú đã chết, chúng ở đây không bao lâu.

3. Tinh linh:
Ấy là các Tiên nữ (fées), Thần gió (elfs), Thổ địa (gnomes), Thiên tinh (sylphes), Hỏa tinh (salamandres) v. v. . . Chúng hiện ra trong hình dáng con người nhưng nhỏ thó, tuy rằng chúng không thuộc con đường tiến hóa của nhân loại.

Chúng có thể thay đổi hình dạng. Các tinh linh thường được biết là Thổ địa, Thủy thần, Thần gió, Thần lửa, mỗi loại có nhiệm vụ riêng về đất, nước, gió, lửa thuộc phần hành của mình. Các Tiên nữ chăm nom đặc biệt sự đào tạo hình hài các loài kim thạch và thảo mộc, và chuyển sinh lực vào các loài nầy.

Tinh linh lánh xa nhân loại vì không chịu được hơi hám và dục vọng con người. Đôi khi chúng phá phách và mê hoặc chúng ta. Chính chúng nó giúp các nhà ảo thuật Ấn Độ tạo những ảo thuật công cộng.

Đời sống của chúng đơn giản, vui vẻ, vô tư lự như trẻ con. Chúng sống lâu hay mau tùy loại. Thân hình của chúng làm bằng chất thanh khí hay chất dĩ thái.

Trên con đường tiến hóa đến quả vị Thiên thần (Anges), tinh linh tương ứng với loài cầm thú so với nhân loại. Con đường tiến hóa của chúng gồm: ngũ cốc, kiến, ong, Tiên nữ, Thiên tinh, Thiên thần; còn con đường tiến hóa của nhân loại phải trải qua đất, rong rêu, cây có hoa, đại thọ, loài có vú, con người.

4. Thiên thần (Devas ou Anges):
Theo sự hiểu biết của chúng tôi, các Thiên thần thuộc một hệ thống tiến hóa cao nhứt và có liên hệ với quả địa cầu. Sau khi đạt sự toàn thiện, con người có thể chọn con đường tiến hóa của các vị Thiên thần, một trong bảy con đường tiến hóa. Sự toàn thiện của các vị Thiên thần cao hơn sự toàn thiện của nhân loại.

Các Ngài gồm 7 hạng :

1/ Cảm dục Thiên thần (Kâmadevas)

2/ Hữu sắc Thiên thần (Roupadevas)

3/ Vô sắc Thiên Thần (Aroupadevas)

Thân thể của các vị nầy là thể vía, thể trí hay Chơn thân. Mức tiến hóa của Cảm dục Thiên thần cao hơn mức tiến nhân loại.

Trên Vô sắc Thiên thần còn 4 hạng Thiên thần khác. Trên nữa là các vị Hành tinh Thiên thần (Esprits planétaires).

Ở một cấp bậc cao, các Thiên thần đối với các Tinh linh cũng như nhân loại so với thú cầm.

Nhiệm vụ của các Thiên thần là hướng dẫn sự tiến hóa theo Thiên Ý. Các Ngài tái lập sự quân bình luôn luôn bị xáo trộn do hằng triệu ý chí khác nhau trong vũ trụ và cũng chăm nom sự dạy dỗ và vận mệnh các quốc gia.


C. DÂN CƯ GIẢ TẠO:

1. Tinh chất giả tạo (élémentals artificiels) hay Hình tư tưởng:
Hạng nầy đông hơn tất cả. Chúng gồm những thực thể bán thông minh và khác biệt nhau như tư tưởng con người.

Một tư tưởng (hay dục vọng) khi phát sanh thì dùng tinh chất (essence élémentale) tạo thành một sắc tướng thích hợp với nó. Đời sống của sinh vật nầy (nghĩa là của sắc tướng nó) tùy sức mạnh của tư tưởng hay dục vọng phát sanh nó. Nó được rõ ràng ít hay nhiều là tùy tư tưởng chân xác hay không. Màu sắc của nó tùy phẩm hay loại tư tưởng (thương yêu, sùng bái, thiện cảm v. v...)

Thường thường, tư tưởng con người mơ hồ, vì vậy sinh vật được tạo ra chỉ sống trong vài phút hay vài giờ rồi tan trong khối tinh chất sau khi phất phơ đây đó.

Nếu tư tưởng mạnh, sinh vật nầy có thể sống trong vài ngày hay lâu hơn nữa. Một pháp sư giỏi có thể tạo những sinh vật sống cả ngàn năm. Vì vậy, có những tinh vật loại nầy được tạo cách đây lối 11.500 năm (trước khi châu Atlantide bị sụp chìm) mà nay vẫn còn tồn tại.

Ảnh hưởng đối với cá nhân mình: Khi tư tưởng hướng về cá nhân mình, nó tăng cường các tinh vật đã tạo và giúp chúng nó sống lâu. Thế là ta tạo cho ta một người bạn thanh khí dũng mãnh mà ảnh hưởng đối với chúng ta một ngày một gia tăng. Vì vậy, khi ta lập lại thường một dục vọng, nó sẽ gây cho chúng ta nhiều tai hại.

Ảnh hưởng đối với kẻ khác: Khi chúng ta nghĩ đến người khác, sinh vật được tạo thành sẽ bay vẩn vơ quanh người đó để ảnh hưởng tốt hay xấu tùy ý chúng ta, vào lúc thuận tiện nhứt nghĩa là khi người nầy dễ cảm nhứt.

Nhưng tinh vật chỉ có thể tác động khi nào thể vía đối tượng có những yếu tố đồng loại với thể của nó để nhận sinh lực tốt hay xấu của nó. Nếu yếu tố nầy không có, tinh vật sẽ quay lại chúng ta theo con đường đã đi với sức mạnh còn nguyên của nó.

Người ta biết được nhiều trường hợp mà tư tưởng oán ghét không hại người bị trù mà quay lại giết người tạo ra nó. Trái lại, một tư tưởng hiền lành khi nó không được nhận do một người hèn hạ, nó sẽ quay về giúp đỡ người phát ra.

Đôi khi, một tinh vật xấu không sử dụng sinh lực của nó được nên trở thành một ác quỉ nuôi dưỡng các tinh vật đồng loại với nó.

Như vậy, với tư tưởng và dục vọng của chúng ta, chúng ta có thể tạo thiên thần hay ác quỉ mà chúng ta phải chịu trách nhiệm. Do đó, chúng ta phải tập chủ trị tư tưởng và dục vọng của chúng ta.

Ước mong và cầu nguyện: Ai ai, dù nghèo thế nào đi nữa, cũng có thể tạo một thiên thần hộ mạng cho những người mình mến yêu, dù các người đó ở xa hay gần. Sau khi chết, ta cũng có thể tác động như vậy.

Quyền năng của một lời cầu nguyện nhiệt thành, nhứt là khi được lập lại thường, trong việc đào tạo tinh vật linh động để hộ trì người khác giải thích một tin tưởng của các người mộ đạo : Cầu xin là được.

Hình dáng và màu sắc: Quyển sách Hình Tư Tưởng của bà A. Besant và ông C. W. Leadbeater giải thích việc nầy một cách tỉ mỉ.

Sau đây là một vài chi tiết : tím = tính tâm linh, xanh lam = sùng tín, vàng = thông minh, vàng cam = kiêu căng, xanh lá = thiện cảm, hồng = tình thương vị tha, đỏ = giận dỗi, dâm dục, xám = ích kỷ, đen = hung dữ.

Những hình tư tưởng đẹp đẽ, rõ ràng, tươi sáng và thanh khiết là hình dáng của những tư tưởng thanh cao. Trái lại, những tư tưởng lu mờ, xấu xí, âm u là triệu chứng của những tánh tình đê tiện.

Thành kiến: Nói chung, các tinh vật giả tạo phát sanh từ một nhóm, một xứ tạo một ảnh hưởng vô hình to lớn đối với tình cảm của một quốc gia, một sắc tộc, một màu da, một tôn giáo, một chánh đảng và cũng như đối với các thành kiến. Từ khi sanh, chúng ta phải chịu những ảnh hưởng nầy và vì chúng ta không biết nên ảnh hưởng ấy rất sâu đậm.

2. Con người giả tạo:
Để đánh đổ chủ nghĩa duy vật, một nhóm người Mỹ trong thế kỷ qua (XIX), có lập một phong trào sau trở thành khoa Thần linh học.

Người ta dạy bảo một người quá vãng về những khả năng của cõi Trung giới rồi giao cho người đó hướng dẫn một nhóm Thần linh học. Nhưng do luật tiến hóa, người hướng dẫn cần được thay thế. Vong linh thay thế bèn sử dụng các bóng hay cái vỏ của người hướng dẫn trước nên người ta tưởng chỉ có một vị hướng dẫn mà thôi. Nhưng về sau, người ta cũng thấy những điều sai biệt.

Đó là nguyên do của các thực thể nhân tạo.


CÁC VỊ PHÒ TRỢ VÔ HÌNH

Sau cùng, chúng ta nên nói đến một nhóm người gồm người sống lẫn người chết do đệ tử của các vị Chơn Sư lập ra để làm việc ở cõi Trung giới. Đó là nhóm người cứu trợ vô hình. (xin xem quyển Những Vị Phò Trợ Vô Hình của C. W. Leadbeater)

Nhóm nầy được thành lập vào buổi sơ khai của Hội Thông Thiên Học. Trong lúc đầu, nhóm nầy gồm những người đàn ông và đàn bà còn sống, họ quyết định sử dụng thời gian thể xác ngủ để hoạt động ở bên kia cửa tử. Sau đó, họ qui tụ thêm một số người đã từ trần trong các hoạt động nầy.

Cứu trợ người chết: Khi sang qua cửa tử, nhiều người rất sợ sa vào địa ngục. Họ cần được trấn an, chỉ dẫn : đó là một công việc rất khó vì họ muốn bám víu vào cõi trần thay vì siêu thăng lên các cõi trên. Lắm khi, họ không tin rằng họ chết. Phận sự của các vị phò trợ vô hình là soi sáng họ. Một vị phò trợ cũng có thể tác động ngay ở cõi trần để giảm bớt sự lo âu của người chết; thí dụ, ông có thể bảo anh em (còn sống) của người chết, chăm nom con cái côi cút của y.

Cứu trợ người sống: Các vị phò trợ vô hình có thể chuyển những tư tưởng tốt cho những ai có thể đảm nhận : chánh khách, tu sĩ, văn sĩ, nhạc sĩ hoặc trong một vài trường hợp đặc biệt báo trước các nguy hại của cách ăn ở của họ. Các vị phò trợ nầy cũng có thể được sử dụng để thỏa mãn những lời cầu nguyện.

Các đức tánh cần thiết:

- Sự cứu trợ nầy cần 5 đức tánh :

1/ sự quyết tâm cứu trợ;

2/ sự tự chủ hoàn toàn để không khi nào bị dao động;

3/ sự an tĩnh (không lo âu);

4/ sự hiểu biết về cõi Trung giới;

5/ tình thương vị tha khiến chúng ta có thể hoạt động một cách kín đáo và vô tư.

Tuy không thuộc vào nhóm phò trợ nầy, bất luận người nào trong lúc ngủ cũng có thể giúp đỡ những kẻ đau khổ. Trước khi ngủ, y chỉ cần nghĩ đến họ với ý tưởng an ủi họ khi y rời khỏi thể xác.


THỂ VÍA:

Thể vía là một khối thanh khí hình trứng, choán một chỗ cùng thể xác và còn vượt ra ngoài. Tuy nhiên, phần trong có vẻ đông đặc, lớn bằng thể xác và cũng giống thể xác.

Thể nầy dùng để biểu hiện cảm xúc, dục vọng, ham muốn, tình cảm. Nhờ nó mà các ấn tượng bên ngoài chuyển thành cảm giác để trí ta thu nhận. Những vật biết đau đớn đều có thể vía. Cục đá không đau đớn vì nó không có một thể vía được tổ chức. Không có thể vía, các cảm xúc không sao có được. Khi người bệnh dùng thuốc mê, thể vía thoát ra thể xác, cảm xúc không còn nữa nên không còn biết đau.

Thể vía còn dùng làm cầu liên lạc giữa khối óc và tâm thức tác động trong châu thân. Trong lúc ngủ, nó thoát về cõi của nó và tiếp xúc với người chết ở cõi đó.

Nó được tạo thành do các chất thuộc bảy cảnh của cõi Trung giới.

Hình dáng:
Thể vía sáng nhiều hay ít tùy mức tiến hóa của con người.

1/ Người tiến hóa ít: Hình dáng nó mù mờ, không được tổ chức, không rõ ràng. Nó có vẻ nặng nề, màu sắc âm u, dơ dáy. Nó vượt ra khỏi thể đông đặc lối 25 – 30 phân. Thường thường nó như vô tri, vô giác, nên phải có những va chạm mạnh nó mới thức tỉnh và tác động; do đó nó chỉ có thể phát triển khi nào cảm xúc nhiều và mạnh. Vì vậy, người kém tiến hóa chỉ có ý niệm về điều thiện trong sự quên mình cho vợ, con hay bạn thân.

Trí thức còn rất kém. Ở trình độ nầy con người hành động do ngoại cảnh thúc giục chớ không phải bởi ý chí.

Trong lúc ngủ, thể vía bay phất phơ bên thể xác, còn giấc mộng thì có tánh cách tầm thường.

2/ Người trung bình: Thể vía sáng sủa hơn và được tạo thành bởi những vật liệu tế nhị hơn. Nó vượt ngoài thể xác lối 50 phân. Nó hoạt động điều hòa và lần lần có thể hoạt động riêng biệt đối với thể xác. Nó chịu ảnh hưởng ý chí một ngày một nhiều.

Trong giấc ngủ, nó đi xa khỏi thể xác trong cõi Trung giới và ghi nhận những ấn tượng của cõi nầy. Như thế, khi tách ra khỏi xác thân, nó có thể thu thập được sự hiểu biết và chuyển lần lần qua tâm thức con người trong lúc thức.

3/ Người tiến hóa cao: Thể vía được tạo do những vật liệu tinh vi và chói sáng trong những màu sắc rực rỡ. Nó trở thành một cơ quan hiểu biết độc lập đối với thể xác.

Hào quang của một vị La Hán (điểm đạo lần thứ tư) có thể chiếu ra độ 10 thước chung quanh xác thân.

Màu sắc:
Ý nghĩa các màu sắc của thể vía cũng giống như ý nghĩa màu sắc hình tư tưởng. Quyển sách của C. W. Leadbeater : “Con người hữu hình và vô hình” có nhiều chỉ dẫn hữu ích nhờ hình ảnh rất nhiều

Tinh luyện:
Màu sắc thể vía sáng ít hay nhiều, hình dáng nó rõ hay không, đó là tùy mức tiến hóa của con người. Sự hoàn hảo của nó căn cứ trên sự tinh luyện thể xác và thể vía.

Các tư tưởng thanh cao thu hút những thanh khí tế nhị vào thể vía và sa thải các phần tử nặng trược. Những thức ăn ô uế mà ta dùng để nuôi dưỡng xác thân (như thịt, máu, rượu) cũng đem vào thể vía đối phần thanh khí nặng trược. Thế nên chúng ta cần kiêng cử những món ăn nầy.

Sự thanh lọc nầy rất cần cho các phương pháp Yoga để kiểm chứng sự thực tại của các cõi vô hình.

Trạng thái thức:
Trong lúc chúng ta thức, thể vía là cây cầu cho tâm thức. Ở nó, các va chạm bên ngoài biến thành cảm xúc và được thể trí chuyển vào tâm thức; sau đó, các rung động gây ra được truyền sang khối óc. Đó là có cảm giác. Hai đường rung động nầy giúp thể vía tiến hóa.

Giấc ngủ:
Nguyên nhân của giấc ngủ là sự mệt mỏi của thể xác, nó cần được phục hồi sức lực. Trong lúc ngủ, thể vía thoát ra thể xác mà vẫn giữ hình dáng của thể nầy. Nó di chuyển rất mau : trong vài ba phút, nó có thể bay quanh quả địa cầu.

Ở cõi Trung giới, các bậc tiến hóa cao đều thức tỉnh. Nhờ vậy họ có thể học hỏi thêm và liên lạc với các kẻ ở xa. Tâm thức của họ không bao giờ gián đoạn, ký ức của họ cũng thế.

Trạng thái xuất thần chỉ là một giấc ngủ tạo ra bởi một cách khác thường hay giả tạo.

Giấc mộng:
Vấn đề được giải thích rõ ràng trong quyển Chiêm Bao của C. W. Leadbeater.

Các giấc mộng được tạo ra do bốn yếu tố :

1/ Khối óc vật chất: Khối óc vật chất diễn tả các kích động bằng hình ảnh. Đối với ảnh hưởng bên ngoài, nó rất nhạy cảm, hay phóng đại và làm sai lệch. Ví dụ : một người mặc áo sơ mi chật cổ có thể nằm mộng thấy mình bị treo cổ. Lại thêm các tư tưởng liên kết nhau nhanh chóng và rất lộn xộn.

2/ Khối óc dĩ thái: Khi đi xuyên qua khối óc dĩ thái, các dòng tư tưởng khêu gợi ở nó những rung động quen thuộc và phát sanh những hình ảnh rời rạc xen lẫn với các hình ảnh của óc vật chất.

3/ Thể vía: Ngoài các hình ảnh nầy, thể vía còn ghi nhận những ấn tượng khác đến với nó. Một thói quen cũ có thể hiện lại bởi vì trong lúc ngủ, lý trí không còn kiểm soát nó nữa. Ví dụ một người ghiền rượu có thể nằm mộng thấy mình uống rượu dù rằng y đã bỏ rượu từ lâu. Việc nầy chứng tỏ sự muốn uống rượu vẫn còn.

4/ Chơn nhơn: Chơn nhơn hay bi tráng hóa sự việc, ví dụ một phát súng khêu gợi không biết bao nhiêu biến cố xảy ra trong nhiều năm. Ý niệm của nó về thời gian có tánh cách siêu việt : một vài giây có thể trở thành nhiều năm. Ngoài ra nó biết trước vị lai và tìm cách chuyển qua khối óc.

Giấc mộng có thể báo đúng sự việc sắp xảy ra, nhưng thường nó gồm những chuyện rời rạc tạo ra do khối óc vật chất và khối óc dĩ thái.

Luân xa:
Đó là trung tâm sinh lực, là những giao điểm chuyển sinh lực từ thể nầy sang thể khác. Luân xa thể phách nằm ngoài mặt thể nầy, còn luân xa thể vía thường nằm bên trong. Luân xa của hai thể tương ứng nhau.

Có bảy trung tâm lực :
1/ Cái thứ nhứt ở cuối xương sống, có 4 cánh. Đó là hỏa hậu biểu dương quyền năng của Thượng Đế;

2/ Cái thứ nhì nằm ở rún, có 10 cánh;

3/ Cái thứ ba nằm ở lá lách, có 6 cánh. Phần vụ của nó là thu hút sinh khí thái dương;

4/ Cái thứ tư ở quả tim và có 12 cánh;

5/ Cái thứ năm ở cổ, có 16 cánh;

6/ Cái thứ sáu ở giữa hai lông mày, có 96 cánh. Nó dường như chia ra hai phần bằng nhau.

7/ Cái thứ bảy ngay đỉnh đầu, có 1000 cánh (đúng là 960 cánh); khi nó được thức động, nó khai mở các quan năng thể vía.

Giác quan thể vía:
Thể vía không có những giác quan riêng như nhãn quan của thể xác chẳng hạn. Khi các luân xa được đánh thức, toàn bộ thể vía đều cảm xúc được.

Màn chia các cõi:
Giữa các luân xa thể phách và thể vía, có một tấm màn bằng nguyên tử căn bản hồng trần ngăn chận ảnh hưởng cõi Trung giới (nhứt là ký ức về sự sinh hoạt trong lúc ngủ). Rượu làm hại tấm màn ấy, thuốc lá thì ít phá hơn. Phải giữ gìn tấm màn ấy nguyên vẹn để tránh những ảnh hưởng bất hảo của Trung giới.

(Trích tài liệu Thông Thiên Học)

Không có nhận xét nào: