Để được thoải mái về tiền bạc
ĐỂ ĐƯỢC THOẢI MÁI VỀ TIỀN BẠC
(Trích trong quyển “Rich Dad Poor Dad”)
Tác giả: Robert T. Kiyosaki & Sharon L. Lechter
Bạn
có tự do về tiền bạc không? Khi Bạn đang phải vật lộn với tài chính
trong cuộc đời mình, tài liệu này hoàn toàn dành cho Bạn. Nếu Bạn muốn
kiểm soát những gì Bạn làm hôm nay hầu có thể thay đổi số phận tiền bạc
lận đận của mình, tài liệu này sẽ giúp cho Bạn vạch được một lối thoát
cho riêng mình.
Trong xã hội có 4 nhóm người kiếm tiền được thể hiện theo bảng sau :
E - Employee: Những người làm công ăn lương
S - Self Employed: Những người tự làm chủ công việc của mình
B - Business Owner: Những người làm chủ hệ thống
I - Investor: Những nhà đầu tư
Mỗi
người trong chúng ta ít nhất cũng thuộc về một trong bốn nhóm người đó.
Vị trí tồn tại của chúng ta trong bốn nhóm người đó sẽ quyết định nguồn
thu nhập đem lại cho chúng ta. Nhiều người dựa vào đồng lương lãnh được
mỗi tháng và do đó trở thành những người làm công trong xã hội, trong
khi số khác tự kinh doanh làm ăn trong khuôn khổ cá nhân hay gia đình.
Những người làm công hay làm tư nằm bên trái bảng. Phía bên phải bảng là
những cá nhân kiếm tiền từ hệ thống kinh doanh của mình hay từ những
khoản đầu tư.
Hình
vẽ trên tóm tắt bốn nhóm người trong xã hội làm nên thế giới kinh doanh
này, họ là những ai và những yếu tố nào hun đúc nên tính cách đặt thù
của mỗi nhóm người. Tứ đồ ấy giúp cho Bạn thấy được mình đang thuộc nhóm
người nào, mà nhờ đó Bạn có thể tự vạch cho mình một hướng hành động
theo những gì Bạn mong muốn trong tương lai, một khi Bạn tự chọn cho
mình một con đường riêng biệt có thể đưa Bạn đến sự tự do về tài chính.
Hiển nhiên sự tự do ấy có thể đạt được trong cả bốn nhóm, nhưng những kỹ
năng của một cá nhân thuộc nhóm phía bên phải tứ đồ sẽ giúp Bạn đạt
được mục đích nhanh chóng hơn. Một người thuộc nhóm E thành đạt đều có
khả năng trở thành một cá nhân thành công thuộc nhóm I.
Bạn muốn thành ai khi Bạn trưởng thành?
Quyển
“Rich Dad Poor Dad” viết về những bài học khác nhau do hai người cha
truyền dạy lại cho tôi về chủ đề tiền bạc và sự lựa chọn cách sống trong
đời. Một người là cha ruột, còn người kia là cha thằng bạn thân nhất
của tôi. Một người có nền học vấn rất cao trong khi người kia chỉ học
tới trung học. Một người thì nghèo còn người kia thì rất giàu.
Cứ mỗi khi người ta hỏi tôi: “Cháu muốn trở thành ai khi cháu trưởng thành?”
Người
cha nghèo có học vấn cao của tôi luôn khuyến khích: “Con hãy đi đến
trường, ráng học cho giỏi và tìm một công việc ổn định an toàn”. Nói như
vậy có nghĩa là người muốn đề nghị một hướng sống như thế này:
Trường học
Người
cha nghèo mong muốn tôi hoặc trở thành một nhân viên nhóm E với mức
lương cao hoặc một chuyên gia làm tư có mức phí cao như bác sĩ, luật sư
hay kế toán gia. Người cha nghèo của tôi luôn quan tâm về một đồng lương
đều đặn, nhiều phúc lợi và bảo đảm công việc. Điều đó giải thích tại
sao Người đã trở thành một công chức chính phủ có mức lương cao, trở
thành một nhân vật lãnh đạo đầu ngành giáo dục ở tiểu bang Hawaii.
Trong
khi đó người cha giàu lại đưa ra một lời khuyên khác hẳn. Người khuyến
khích: “Hãy đi đến trường, tốt nghiệp đại học và sau đó tự kinh doanh và
trở thành một nhà đầu tư thành công”.
Như vậy, cha giàu đề nghị tôi một hướng sống như thế này:
Trường học
Ai cần tài liệu này?
Tài
liệu này được viết dành cho những ai sẵn sàng muốn thay đổi vị trí của
mình hôm nay, đặt biệt cho những cá nhân thuộc nhóm E hay S đang mong
muốn nhập hội với những người thuộc nhóm B hay I. Tài liệu này dành cho
những người dám xé rào tư tưởng bảo đảm việc làm mà hướng tới sự bảo đảm
về tài chính. Con đường chuyển từ phía bên trái tứ đồ sang bên phải tứ
đồ dĩ nhiên sẽ không dễ dàng chút nào nhưng phần thưởng ở cuối con đường
hoàn toàn xứng đáng. Con đường đó chính là nhắm tới sự tự do hoàn toàn
về tài chính.
Lúc
tôi còn 12 tuổi, người cha giàu đã kể cho tôi nghe một câu chuyện giản
dị, nhưng câu chuyện đó đã dẫn dắt tôi suốt trên con đường làm giàu và
đạt tới tự do về tiền bạc. Câu chuyện đó phản ánh lối giải thích của
người cha giàu về sự khác nhau giữa phía bên trái của tứ đồ, tức là nhóm
người E hay S, với phía bên phải gồm nhóm người B hay I. Câu chuyện
như thế này:
“Ngày
xửa ngày xưa có một ngôi làng nhỏ bé đáng yêu. Ngôi làng ấy là một chổ ở
thật tuyệt vời nhưng tiếc thay lại gặp một vấn đề nghiêm trọng. Khi
trời không mưa, làng chẳng có tí nước nào. Nhằm giải quyết vấn đề dứt
điểm, các già làng quyết định gọi thầu cung cấp nguồn nước hàng ngày cho
dân làng. Có hai nhân vật đứng ra nhận thầu và các già làng đều nhận ký
hợp đồng với cả hai. Các già làng cho rằng một sự cạnh tranh nho nhỏ
giữa hai bên có thể làm cho giá cả giảm xuống, lại vừa đảm bảo có đủ
nước dự trữ cho làng.
Người
thứ nhất trong hai người trúng thầu có tên là Ed. Ông lập tức lên chợ
mua hai thùng thiếc mạ kẽm và ngược xuôi chở nước từ hồ vào làng cách đó
một dặm. Với hai thùng nước đó, anh ta làm việc từ sáng sớm đến chiều
tối và nhanh chóng kiếm ra tiền. Ed đổ nước trong thùng vào một bể chứa
nước đúc bằng bê tông to ngay giữa làng. Cứ mỗi buổi sáng, anh ta là
người thức dậy sớm nhất để bảo đảm lượng nước đủ dùng cho cả làng. Công
việc thật cực nhọc, nhưng anh ta cảm thấy hạnh phúc khi làm ra tiền và
đã thắng một trong hai hợp đồng duy nhất trong làng.
Người
nhận thầu thứ hai tên là Bill biến mất đi một dạo. Cả làng không thấy
anh ta trong nhiều tháng, và điều đó làm cho Ed rất sung sướng vì không
có cạnh tranh nên kiếm được rất nhiều tiền.
Thay
vì đi mua hai thùng nước để cạnh tranh với Ed, Bill phát thảo một kế
hoạch kinh doanh, thành lập công ty, tìm thêm bốn đối tác đầu tư, thuê
một giám đốc quán xuyến công việc và trở về với một nhóm thợ xây sau 6
tháng mất biệt. Trong vòng một năm, nhóm thợ của Bill hoàn tất công
trình lắp đặt một đường ống dẫn nước từ hồ vào thẳng trong làng.
Vào
buổi khai trương, Bill trịnh trọng tuyên bố nguồn nước cung cấp của
mình sạch hơn của Ed. Trước đó Bill đã nghe thấy nhiều phàn nàn của dân
làng về bụi cặn trong nguồn nước do Ed cung cấp. Bill còn tuyên bố sẽ
cung cấp nước liên tục cho làng 24 giờ mỗi ngày, 7 ngày một tuần. Trong
khi đó, Ed chỉ cung cấp nước vào những ngày làm việc trong tuần, cuối
tuần Ed phải nghỉ ngơi. Tiếp theo Bill tuyên bố chỉ lấy giá bằng 75% giá
nước của Ed mà nguồn nước lại sạch hơn, có đều đặn hơn. Cả làng hoan hô
Bill và ùn ùn xếp hàng trước vòi nước đường ống do Bill xây dựng.
Để
cạnh tranh Ed lập tức hạ giá xuống còn 75% so với giá trước đây, mua
thêm hai thùng nước và nắp đậy, rồi bắt đầu tăng công xuất lên bốn thùng
cho mỗi chuyến đi. Nhằm cung cấp dịch vụ tốt hơn, anh ta mướn hai người
con của mình phụ giúp làm ca đêm và vào những ngày nghĩ cuối tuần. Khi
hai đứa con lên tỉnh nhập học, anh ta nói với chúng: “Các con hãy nhanh
chóng quay về vì sự nghiệp kinh doanh này sẽ thuộc về các con”.
Vì
một lý do nào đó, hai người con của Ed sau tốt nghiệp đại học không
chịu trở về làng. Ed cuối cùng phải thuê mướn nhân công và từ đó bắt đầu
gặp rắc rối với vấn đề công đoàn lao động. Công đoàn đòi tăng lương,
chu cấp thêm phúc lợi và yêu sách mỗi nhân công chỉ xách mỗi lần một
thùng nước mà thôi.
Trong
khi đó Bill ý thức được rằng một khi ngôi làng này cần nước thì các
làng khác cũng có nhu cầu thiết yếu đó. Thế là Bill lại xây dựng hệ
thống cấp nước cho mọi ngôi làng trên thế giới với chi phí thấp và chất
lượng sạch. Bill chỉ kiếm một xu trên mỗi thùng nhưng hàng ngày Bill
cung cấp hàng tỷ thùng nước. Cho dù Bill có làm việc hay nghỉ ngơi, hàng
tỷ người vẫn phải dùng nước và tiền cứ chảy vào tài khoản ngân hàng của
Bill. Bill đã vẽ một đường ống không chỉ dẫn nước cho mọi ngôi làng mà
còn dẫn tiền vào túi mình.
Bill
sống hoàn toàn hạnh phúc và đạt được tự do tài chính trong khi đó Ed
phải làm việc cực nhọc suốt đời mà vẫn lận đận về tiền bạc.”
Câu
chuyện đó về Bill và Ed đã hướng dẫn tôi trong suốt nhiều năm liền,
giúp tôi có nhiều quyết định quan trọng trong đời mình. Tôi thường tự
hỏi:
Tôi sẽ xây dựng một đường ống dẫn nước hay đi gánh nước?
Tôi sẽ lao động một cách cực nhọc hay một cách khôn ngoan?
Và việc trả lời những câu hỏi đó đã đưa tôi đến sự tự do về tài chính.
Kim tứ đồ
Kim
từ đồ đơn giản là hình vẽ nói lên sự khác nhau về cách tạo ra thu nhập
của bốn nhóm người. Sự khác nhau đó có thể tóm tắt như sau:
E
- nhóm người làm công ăn lương. Khi tôi nghe những từ như “bảo đảm” hay
“phúc lợi”, tôi có thể cảm nhận được người đang nói chuyện với mình là
ai. Từ “bảo đảm” vốn thường được dùng khi đối phó với cảm giác sợ hãi.
Nếu một người cảm thấy sợ, và người ấy xuất thân từ nhóm E, người đó
luôn đề cập đến từ đó như một biểu hiện của nhu cầu cần được bảo đảm.
Khi đá động đến tiền bạc và công ăn việc làm, có khối người rất ghét nỗi
sợ ám ảnh thường đi kèm theo với sự bất ổn của nền kinh tế, và chính vì
vậy họ cảm thấy nhu cầu được bảo đảm là thiết yếu.
Từ
“phúc lợi” ám chỉ đến việc bàn bạc rõ ràng những phần thưởng ngoài
lương, một kế hoạch tưởng thưởng chắc chắn, chẳng hạn như bảo hiểm y tế
hay chế độ về hưu. Điều mấu chốt là họ muốn cuộc sống tương lai của họ
được bảo đảm bằng những cam kết trên văn bản hẳn hòi Họ không cảm thấy
hạnh phúc khi gặp sự bất ổn. Chỉ có sự ổn định, chắc chắn mới làm cho họ
thấy được thỏa mái trong cuộc sống. Tận sâu trong lòng họ luôn nhắc nhở
“tôi cho bạn điều này, bạn phải cho lại tôi điều khác”.
Để
có thể trấn áp và chế ngự nỗi sợ, họ đi tìm sự bảo đảm và những thỏa
thuận chắc chắn trong việc làm. Điều đó giải thích tại sao họ có lý
riêng của họ khi phát biểu như vầy: “tôi không quan tâm chú trọng đến
tiền bạc”.
Đối với những người thuộc nhóm này, ý niệm về sự bảo đảm và ổn định còn quan trọng hơn cả tiền bạc.
Người
làm công có thể trở thành chủ tịch công ty hay quản lý tập đoàn. Vấn đề
quan trọng đối với những người này không phải là phạm vi công việc hay
trách nhiệm mà chính là những thỏa thuận hợp đồng ký với công ty hay
tập đoàn thuê họ.
S
- nhóm người làm tư. Có những người muốn “làm sếp cho chính mình”, hoặc
“tự mình làm việc ấy”. Tôi gọi nhóm này là nhóm người “tự làm lấy”.
Thông
thường khi đụng đến vấn đề tiền bạc, một người thuộc nhóm S không thích
nguồn thu nhập của mình phụ thuộc vào người khác. Nói cách khác, nếu
một người nhóm S làm việc cật lực, họ sẽ đòi hỏi được trả xứng đáng với
công sức mà họ bỏ ra. Những người thuộc nhóm này không thích nguồn thu
nhập của mình bị quyết định bởi một cá nhân hay một nhóm người nào khác
không làm việc ở mức độ cật lực như họ. Nếu muốn họ bỏ công sức nhiều,
Bạn phải trả họ xứng đáng. Dĩ nhiên họ cũng hiểu rất rõ một khi họ không
bỏ công sức nhiều, họ sẽ không được trả nhiều. Đối với tiền bạc, những
người thuộc nhóm này rất có cá tính độc lập ý thức.
Cảm giác sợ hãi.
Như
vậy khi một người nhóm E thường phản ứng với nỗi sợ không có tiền bằng
cách đi tìm sự bảo đảm, người thuộc nhóm S lại phản ứng khác hẳn. Những
người thuộc nhóm S phản ứng với cảm xúc đó không phải bằng cách đi tìm
sự bảo đảm, mà họ sẽ cố kiểm soát và làm chủ tình huống để xử lý và hành
động theo cách riêng của mình. Điều đó giải thích tại sao tôi gọi nhóm
ngưòi S là nhóm “tự làm lấy”. Khi đương đầu với nỗi sợ và rủi ro về tài
chính, “họ muốn nắm lấy sừng trâu và điều khiển nó theo ý mình”.
Trong nhóm này Bạn sẽ dễ nhận thấy nhiều chuyên gia trí thức đã bỏ nhiều năm trong trường đại học như bác sĩ, luật sư và nha sĩ.
Cũng
thuộc về nhóm này còn gồm những người đi theo một lối giáo dục khác
hoặc bổ sung cho nền giáo dục truyền thống. Đó là những người bán hàng
kiếm hoa hồng trực tiếp như môi giới bất động sản chẳng hạn, cũng như
những chủ kinh doanh nhỏ thuộc dạng hộ cá thể hay đối tác như chủ cửa
hàng, chủ thầu quét dọn, chủ nhà hàng, chuyên viên tư vấn, bác sĩ chuyên
khoa, đại lý du lịch, thợ sửa xe, thợ sửa ống nước, thợ mộc, thợ điện,
thợ làm tóc, nhà diễn thuyết, các nghệ sĩ...
Câu điệp khúc ưa thích nhất của nhóm này luôn là “không ai làm chuyện đó hay hơn tôi” hoặc “tôi sẽ làm theo cách của tôi”.
Những
người làm tư thuộc nhóm này thường là những người theo trường phái
“toàn hảo”. Họ luôn muốn làm một điều gì đó đặc biệt và xuất sắc hơn
người. Trong tâm tư của họ, họ không bao giờ nghĩ rằng sẽ có ai đó làm
tốt hơn họ, cho nên họ thực sự không tin vào khả năng của ai có thể làm
tốt theo cách mà họ thích, cái cách mà họ cho là “đi đúng hướng”. Trên
một vài khía cạnh nào đó, họ chính là những nghệ sĩ thực thụ theo phong
cách và phương pháp làm việc do chính họ đề xướng.
Và
đó là lý do tại sao xã hội lại thuê mướn những người như họ. Nếu Bạn
cần một bác sĩ giải phẫu não, Bạn muốn vị bác sĩ đó phải có nhiều năm
kinh nghiệm và trình độ, nhưng điều quan trọng hơn hết là Bạn muốn vị
bác sĩ ấy phải là con người “toàn hảo”.
Đối
với nhóm này, tiền bạc sẽ không quan trọng bằng công việc. Sự độc lập
trong suy nghĩ, sự tự do trong cách làm và sự được nể trọng như một bật
thầy trong lĩnh vực chuyên ngành đối với họ còn quan trọng hơn nhiều so
với tiền bạc. Cho nên khi thuê mướn họ, cách hay nhất là Bạn nói cho họ
những gì Bạn muốn và cứ để mặc họ tự lo liệu.
Nhóm
người này thường gặp phải khó khăn khi đi thuê mướn người khác làm cho
họ, chỉ bởi vì trong đầu họ luôn cho rằng không ai có thể đảm đương công
việc của họ. Và điều đó khiến cho nhóm này hay than phiền “thời nay
thật khó mà kiếm được người giúp việc giỏi”.
Một
trở ngại khác là khi nhóm người này đào tạo cho một ai đó làm những gì
mà họ đang làm, người mới vào nghề tập sự đó lại thường trở thành giống
như họ, tức là “làm theo cách của mình”, “làm chủ lấy mình”. Chính vì lý
do đó, nhiều người thuộc nhóm S rất miễn cưỡng khi tuyển dụng và huấn
luyện người khác chỉ vì họ sẽ bị cạnh tranh hơn nữa một khi những kẻ tập
sự ấy đã rành nghề và rời bỏ họ. Tình huống đó lại càng đẩy họ làm việc
cật lực hơn và đơn độc hơn.
B
- nhóm làm chủ hệ thống. Nhóm người này hoàn toàn đối lập với những
người thuộc nhóm S. Những người thuộc nhóm B thích sử dụng và hợp tác
với những người thông minh thuộc nhóm E, S, B và I. Không giống như
những người thuộc nhóm S vốn không thích chia sẻ công việc (vì không ai
có thể làm tốt hơn họ), những người nhóm B lại thích chia sẻ công việc.
Câu tâm niệm của nhóm B là: tại sao lại gánh lấy công việc trong khi ta
có thể mướn người khác làm việc cho ta, nhiều khi còn giỏi hơn cả mình”.
Henry
Ford là một điển hình của nhóm này. Có một câu chuyện truyền khẩu về
nhân vật li kỳ này như sau: Một nhóm trí thức lớn tiếng chỉ trích và chê
bai Ford là ngu dốt, không biết một tí gì. Ford mời họ vào văn phòng
làm việc của mình và thách thức những người này có thể đặt bất kỳ một
câu hỏi nào mà Ford không trả lời được. Thế là nhóm trí thức đó vây
quanh một trong những nhà công nghiệp có quyền lực nhất nước Mỹ và liên
tiếp chất vấn. Ford lắng nghe hết mọi câu hỏi và khi mọi người không còn
hỏi nữa, ông chỉ việc nhấc máy điện thoại lên, triệu vào một vài trợ lý
giỏi và yêu cầu họ trả lời tất cả các câu hỏi chất vấn của các vị trí
thức đó. Ông đã kết thúc buổi họp mặt bằng một câu tuyên bố với nhóm trí
thức rằng, chẳng thà ông mướn những người thông minh, có học thức tìm
ra câu trả lời để ông có thể dành trí óc sáng suốt cho những công việc
quan trọng khác, những công việc chẳng hạn như “suy nghĩ”.
Một
trong những câu nói nổi tiếng của Ford là: “Suy nghĩ là một công việc
khó khăn nhất. Đó chính là lý do tại sao rất ít người muốn làm điều đó”.
Các kiểu trở thành doanh nhân
Tôi thường nghe mọi người nói “tôi sẽ khởi sự kinh doanh cho chính mình”.
Nhiều
người có khuynh hướng cho rằng con đường đạt đến sự bảo đảm về tiền bạc
và hạnh phúc chính là “tự làm những điều mình thích” hoặc “tung ra một
sản phẩm mà chưa ai làm”. Vì thế họ vội vã đổ xô vào kinh doanh. Trong
nhiều trường hợp họ đã đi theo lối này:
Nhiều
người cuối cùng trở thành doanh nhân thuộc nhóm S chứ không phải nhóm
B. Hiển nhiên không nhất thiết nhóm này phải hay hơn nhóm kia, cả hai
nhóm đều có điểm yếu và điểm mạnh riêng, có mức độ rủi ro và những phần
thưởng đền bù khác nhau. Thế nhưng rất nhiều người muốn bắt đầu ngay từ
nhóm B nhưng lại kết thúc ở nhóm S và bị kẹt dính vào trong đó trên con
đường chinh phục vào thế giới bên phải của tứ đồ.
Lại cũng có những người bắt đầu sự nghiệp kinh doanh của mình theo lối này:
Thế nhưng cuối cùng cũng bị vướng vào nhóm S và mắc kẹt ở đó.
Nhiều người lại thử khởi nghiệp kinh doanh theo hướng này:
Nhưng
chỉ có một vài người có đủ khả năng đứng vào hàng ngũ những người nhóm
B. Tại sao vậy? Bởi vì những kỹ năng chuyên môn cũng như bản tính con
người cần để thành công cho mỗi nhóm lại thường khác nhau vô cùng. Chính
vì vậy, muốn thành công thực sự trong một nhóm, Bạn cần phải có những
kỹ năng và lối suy nghĩ thích hợp của nhóm đó.
Sự khác nhau giữa cách kinh doanh của nhóm S và nhóm B.
Những
người nhóm B thực thụ có thể bỏ công việc kinh doanh của họ hơn cả năm
trời, để rồi khi quay lại họ thấy công việc kinh doanh của mình ngày
càng có lời và hoạt động càng có hiệu quả hơn so với lúc họ bỏ đi. Trong
khi đó đối với những người nhóm S, nếu người ấy bỏ đi cả năm trời, chắc
chắn chuyện kinh doanh của họ sẽ chẳng còn ra thể thống gì nữa cả.
Thế
thì điều gì đã tạo ra sự khác nhau đó? Nói theo cách đơn giản, người
nhóm S làm chủ công việc, trong khi đó người nhóm B làm chủ hệ thống,
quy trình và sau đó mướn những người có khả năng điều hành hệ thống đó.
Hay nói một cách khác, trong phần lớn trường hợp, bản thân người nhóm S
đã là một “hệ thống cá nhân”, cho nên họ không thể nào bỏ mặc chuyện
kinh doanh của mình.
Thử
lấy ví dụ một nha sĩ. Vị nha sĩ bỏ hàng năm trời miệt mài trong trường
lớp để trở thành hệ thống độc lập. Bạn với tư cách là thân chủ bị đau
răng, Bạn đến khám ở phòng mạch của vị nha sĩ đó. Vị nha sĩ chữa răng
cho Bạn, Bạn trả tiền rồi ra về. Bạn cảm thấy sung sướng và truyền miệng
với bạn bè về vị nha sĩ tuyệt vời của Bạn. Hầu hết trong mọi trường
hợp, vị nha sĩ ấy chính mình làm tất cả mọi chuyện. Vấn đề ở chổ khi vị
nha sĩ ấy nghỉ làm và đi du lịch, thu nhập của anh ta cũng “nghỉ” theo.
Trái
lại những người làm chủ kinh doanh nhóm B có thể đi du lịch suốt vì họ
làm chủ một hệ thống, một quy trình chứ không phải một công việc. Khi
những người nhóm B đi du lịch, hệ thống do những người mà họ thuê để
điều hành vẫn hoạt động và tiền vẫn chảy vào túi của họ.
Với
những người nhóm S muốn trở thành nhóm B, họ cần phải tự chuyển biến
con người của mình và những gì họ biết về cách vận hành hệ thống. Đáng
tiếc thay, nhiều người không thể làm được chuyện đó hoặc họ quá say mê
với chính hệ thống của chính mình.
Bạn có thể làm một ổ bánh mì kẹp thịt ngon hơn tiệm McDonald không?
Nhiều
người đến xin tôi lời khuyên làm thế nào khởi sự một công ty, hoặc làm
thế nào huy động vốn cho một sản phẩm hay một ý tưởng kinh doanh mới.
Thường
thường tôi ngồi im lắng nghe trong khoảng 10 phút và trong thời gian ấy
tôi có thể nhận ra mức độ quan tâm của họ. Họ quan tâm đến sản phẩm hay
hệ thống kinh doanh? Tôi thường nghe những câu nói như thế này (hãy nhớ
rằng không có gì quan trọng bằng lắng nghe và xem xét bản chất gốc rễ
của người đối thoại từ những lời họ nói với Bạn):
“Sản phẩm này tốt hơn hẳn loại sản phẩm mà công ty đó làm ra”
“Tôi đã thăm dò nhiều nơi, nhưng chưa thấy ai bán loại sản phẩm đó”
“Tôi chia sẻ với anh ý tưởng về sản phẩm này, nhưng anh phải chia cho tôi 25 phần trăm lợi nhuận”
“Tôi đã từng có kinh nghiệm hàng năm trời về loại sản phẩm này”
Đó chính là câu nói của những người bắt rễ từ phần bên trái của tứ đồ, nhóm E hay S.
Những
lúc ấy tôi phải thật tế nhị vô cùng bởi vì tôi đang đối thoại với những
giá trị tư tưởng mà người ấy đang khư khư bám chặt lấy trong nhiều năm,
thậm chí qua nhiều thế hệ. Nếu tôi không tế nhị hoặc không kiên nhẫn,
tôi có thể làm vỡ tan ngay sự háo hức của người ấy với ý tưởng kinh
doanh thật nhạy cảm nhưng cũng thật bấp bênh, và nhất là tôi có thể làm
thui chột ý chí của một người đang muốn vượt rào từ nhóm này sang nhóm
khác.
Ổ bánh mì kẹp thịt và chuyện làm ăn
Vì
tôi cần phải cẩn trọng, tế nhị khi trò truyện đến đây tôi thường dùng
ví dụ về ổ bánh mì kẹp thịt McDonald để phân tích. Sau khi lắng nghe mọi
nỗi niềm của họ, tôi chậm rãi hỏi: “Bạn có thể tự mình làm một bánh mì
kẹp thịt ngon hơn của tiệm McDonald không?”
Cho
tới nay, tất cả những người mà tôi gặp qua khi đưa ra ý tưởng về một
sản phẩm mới, khi được hỏi câu đó đều nói “có”. Tất cả họ đều có thể
xuống bếp và làm một ổ bánh mì kẹp thịt có chất lượng vượt xa tiệm
McDonald.
Và
khi ấy tôi liền hỏi họ câu tiếp theo “Vậy Bạn có thể tự mình xây dựng
một hệ thống kinh doanh tốt hơn McDonald không?” Vài người nhìn thấy sự
khác nhau ngay lập tức, còn số khác thì không. Và tôi có thế nói sự
khác nhau đó phụ thuộc vào vị trí của người đó trên tứ đồ - phía bên
trái của từ đồ, chỉ biết quan tâm đến ý tưởng một ổ bánh mì ngon hơn còn
phía bên phải của tứ đồ đặt hết sự quan tâm vào hệ thống kinh doanh.
Tôi
đã cố gắng mọi cách để giải thích có biết bao nhiêu doanh nhân ngoài
kia đang cung cấp những hàng hóa và dịch vụ có chất lượng vượt xa hơn
những tập đoàn đa quốc gia đồ sộ, cũng như trên thế giới hiện có hàng tỷ
người có thể làm một ổ bánh mì kẹp thịt ngon hơn McDonald. Vậy mà chỉ
có mỗi một tiệm McDonald lại có một hệ thống có thể phục vụ hàng tỷ ổ
bánh mì kẹp thịt cho mọi người trên thế giới.
Hãy nhìn về những nhóm bên kia
Khi
mọi người bắt đầu có thể nhìn thấy những người thuộc nhóm bên kia (nhóm
B hoặc I), tôi đề nghị họ thử đi đến tiệm McDonald, mua một ổ bánh mì
kẹp thịt và vừa ăn vừa quan sát hệ thống đã làm ra ổ bánh đó. Hãy ghi
chú những chuyến xe tải chở đến những ổ bánh mì bột còn sống, những chủ
trại nuôi bò, kẻ đi đặt mua thịt bò và mẫu quảng cáo trên TV với Ronald
McDonald. Hãy quan sát việc huấn luyện những thanh thiếu niên đang tập
tễnh bán hàng cùng với câu chào khách “Xin chào Bạn, rất hoan nghênh Bạn
đến tiệm McDonald”. Hãy để ý đến trang trí trong các cửa tiệm McDonald,
phạm vi địa bàn mỗi tiệm, các lò nướng bánh mì và hàng triệu ký khoai
tây chiên trên khắp thế giới đều có cùng một vị y hệt như nhau. Và đừng
quên những nhà môi giới chứng khoáng đang gọi vốn cho McDonald ở phố
Wall. Một khi Bạn có thể hiểu được toàn bộ bức tranh hoạt động của hệ
thống McDonald, Bạn sẽ có cơ hội hơn để đi vào nhóm B hoặc I trên tứ đồ.
Thực
tế là trong khi có vô vàng những ý tưởng mới, có hàng tỷ người cung cấp
hàng hóa và dịch vụ và có hàng tỷ sản phẩm khác nhau lại có rất ít
người biết cách xây dựng những hệ thống kinh doanh tuyệt vời cho chính
họ.
Bill
Gates của Microsoft không làm ra một sản phẩm vĩ đại mà chính ông đã
mua nó lại từ tay người khác và thiết lập nên một hệ thống toàn cầu vĩ
đại xung quanh sản phẩm đó.
Ba kiểu hệ thống kinh doanh
Trên
con đường “xé rào” vào nhóm B, hãy luôn ghi nhớ mục đích của Bạn là
làm chủ một hệ thống và tìm người vận hành hệ thống đó cho Bạn. Bạn có
thể tự mình lập một hệ thống riêng hoặc tìm mua một hệ thống có sẵn. Hãy
coi hệ thống đó như một cây cầu nối mà nhờ đó Bạn có thể vượt qua một
cách an toàn từ phía bên trái sang phía bên phải của tứ đồ. Cây cầu đó
sẽ giúp Bạn đi đến bến bờ của sự tự do về tài chính.
Có 3 kiểu hệ thống kinh doanh hiện đang được phổ biến hiện nay, đó là:
1. Những tập đoàn thuộc mô hình công ty truyền thống “ đây là nơi Bạn tự tạo một hệ thống cho mình
2. Hình thức Franchises (nhượng quyền) “ đây là nơi Bạn mua một hệ thống có sẵn
3. Kinh doanh theo mạng (Network Marketing) “đây là nơi Bạn mua để hòa nhập thành một phần của một hệ thống đã có sẵn.
Hình thức nhượng quyền (Franchises)
Khi
người cha giàu bắt đầu dạy tôi về cách trở thành một người nhóm B, thời
ấy chỉ có một kiểu kinh doanh. Đó là kiểu làm ăn lớn của một đại công
ty gần như độc quyền.
Khi
tôi bắt đầu vào trung học, chúng tôi đã nghe đồn về khái niệm “nhượng
quyền” nhưng hình thức kinh doanh ấy không xuất hiện ở thị trấn bé xíu
chổ chúng tôi ở. Chúng tôi không biết gì cả về tiệm bánh mì kẹp thịt
McDonald hay gà rán KFC. Khi tôi học hỏi người cha giàu, những khái niệm
ấy hoàn toàn lạ lẫm với chúng tôi. Và rồi chúng tôi cứ liên tiếp nghe
tin đồn về những hình thức kinh doanh kiểu ấy, nào là “bất hợp pháp”,
nào là “trò lường gạt bịp bợm”, “nguy hiểm”. Tất nhiên một khi những lời
đồn ấy đến tai người cha giàu, Người đã mua vé máy bay đến California
để kiểm tra tin đồn hơn là chỉ nghe theo một cách mù quáng. Khi trở về
Người chỉ nói với chúng tôi “Franchises sẽ là một cuộc cách mạng của
tương lai”. Và Người đã mua lại đặc quyền kinh doanh của hai thương
hiệu. Khi xã hội bắt đầu dấy lên trào lưu “franchises” và hình thức ấy
bắt đầu trở nên phổ biến, cũng là lúc Người trở thành triệu phú. Người
bán lại những đặc quyền kinh doanh đó cho người khác muốn nắm lấy cơ hội
làm ăn riêng cho chính mình.
Ngày
nay thật khó mà tưởng tượng không có thành phố hiện đại nào trên thế
giới lại không có bánh mì kẹp thịt McDonald, gà rán KFC hay bánh Pizza.
Kinh doanh theo mạng (Network Marketing)
Cũng
như với hình thức nhượng quyền, ban đầu xã hội cố gạt kinh doanh theo
mạng (nước ta còn gọi là kinh doanh đa cấp) ra ngoài vòng pháp luật. Tôi
biết có những quốc gia đã thành công trong chuyện đó hay nghiêm cấm
khắt khe hình thức kinh doanh đó. Bất kỳ một hệ thống hay một ý tưởng
mới nào nảy sinh trong thời kỳ đó cũng đều bị cho là “kỳ quặc và đáng
nghi ngờ”. Lúc đầu tôi cũng cho kinh doanh theo mạng là một trò lường
gạt. Nhưng sau nhiều năm, khi tôi đã nghiên cứu những hệ thống khác nhau
phát sinh qua hệ thống kinh doanh theo mạng và chứng kiến nhiều người
bạn của mình đã thành công trong kiểu kinh doanh này, tôi đã thay đổi
quan điểm của mình.
Sau
khi tôi bỏ thành kiến của mình và bắt đầu bỏ công tìm hiểu về kinh
doanh theo mạng, tôi nhận thấy rằng đã có nhiều người xây dựng cho mình
hệ thống trong kinh doanh theo mạng một cách lương thiện và cần mẫn. Khi
gặp được họ, tôi có thể thấy tác động của hệ thống kinh doanh này lên
đời sống và tương lai tài chính của rất nhiều người khác. Chỉ cần bỏ ra
một khoản phí gia nhập vừa phải (thường khoản 200 đô la Mỹ), mọi người
có thể mua vào một hệ thống có sẵn và có thể bắt tay xây ngay một công
việc kinh doanh. Nhờ vào những bước tiến khổng lồ trong công nghệ máy
tính, các tổ chức này hoàn toàn được tự động hóa, và những công việc
nhức đầu như thủ tục giấy tờ, xử lý đơn đặt hàng, phân phối, kế toán và
những công việc phát sinh khác đều được quản lý bởi các hệ thống chương
trình phần mềm trong kinh doanh theo mạng. Những phân phối viên mới có
thể dốc hết sức của mình vào việc xây dựng kinh doanh thông qua việc
chia sẻ cơ hội làm ăn được tự động hóa này, thay vì phải lo lắng, nhức
đầu vì những thủ tục ban đầu trong giai đoạn sơ khai của một doanh
nghiệp nhỏ.
Một
trong những người bạn thân của tôi đã từng kiếm được hàng tỷ đô la từ
đầu tư bất động sản vào năm 1997, vừa mới ký hợp đồng làm phân phối viên
của một công ty kinh doanh theo mạng và bắt đầu lập nghiệp kinh doanh
cho riêng mình. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy anh ta cần mẫn chăm chút cho
công việc kinh doanh theo mạng của mình, bởi vì rõ ràng là anh ta không
cần tiền. Khi tôi hỏi lý do, anh đã giải thích như sau: “Tôi đã đi học
để trở thành một kế toán viên chuyên nghiệp, sau đó tôi lấy được bằng
MBA về tài chính. Khi mọi người hỏi tôi cách làm giàu, tôi đã kể lại và
chia sẻ với họ kinh nghiệm về những giao dịch địa ốc hàng triệu đô la và
mức thu nhập “thụ động” hàng trăm ngàn đô tôi kiếm được mỗi năm từ đầu
tư bất động sản của mình. Tôi nhìn thấy thường mọi người thối chí rút
lui và ngượng ngùng bỏ đi. Cả anh và tôi đều biết rằng cơ hội đầu tư địa
ốc hàng triệu đô la như thế hoàn toàn nằm ngoài tầm tay của họ, bởi vì
ngoài việc không có kiến thức, kinh nghiệm họ cũng không có nhiều vốn để
đầu tư. Cho nên tôi đã bắt đầu tìm kiếm một con đường mà tôi có thể
giúp họ đạt được mức thu nhập thụ động như tôi đã kiếm được từ kinh
doanh địa ốc của mình mà không cần phải quay lại học hết 6 năm và bỏ
thêm 12 năm đầu tư trên lĩnh vực địa ốc. Tôi tin rằng kinh doanh theo
mạng có thể giúp mọi người có cơ hội kiếm được thu nhập thụ động trong
khi họ vẫn có thể học cách trở thành những nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đó
là lý do tại sao tôi đề nghị hình thức kinh doanh theo mạng với họ. Cho
dù họ có ít tiền đi chăng nữa, họ vẫn có thể đầu tư “số vốn tạo ra từ mồ
hôi công sức của mình” trong vòng 5 năm và có thể kiếm được một mức thu
nhập thụ động cần thiết cho những mối đầu tư thực thụ. Khi phát triển
công việc làm ăn, họ lại còn có thời gian rãnh rỗi để học hỏi thêm cũng
như kiếm được nhiều vốn hơn để có thể cùng tôi nhắm vào những mối đầu tư
lớn”.
Hiện
tại anh ta đang ăn nên làm ra trong hệ thống kinh doanh theo mạng cũng
như trong chuyện đầu tư của mình. Anh bảo tôi “Ban đầu tôi làm điều này
chỉ vì muốn giúp mọi người kiếm ra tiền để đầu tư, vậy mà giờ đây tôi
lại càng trở nên giàu có từ chuyện kinh doanh hoàn toàn mới mẽ này”.
Con đường anh đề nghị hoàn toàn giống như con đường mà tôi đã đề nghị với các Bạn trước đây
Kinh doanh theo mạng - một Franchise cá nhân
Và
đó là lý do tại sao ngày nay tôi luôn khuyến khích mọi người hãy xem
xét đến hình thức kinh doanh theo mạng. Nhiều công ty nhượng quyền nổi
tiếng đòi hỏi trong túi Bạn phải có từ một triệu đô la trở lên mới mua
được hệ thống đó (để mua hệ thống KFC hay McDonald Bạn cần có từ 100.000
đô la trở lên). Kinh doanh theo mạng là một kiểu nhượng quyền cá nhân,
và Bạn chỉ tốn khoảng 1.200 đô la để mua nó.
Bán hàng trực tiếp và Kinh doanh theo mạng
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét